CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

 Hoa Lưu Ly Không Về


phan 3

 Câu hỏi thật ngớ ngẩn và thừa thãi, bởi cách đây mấy hôm nó đã chứng minh cho câu trả lời của Lũy rồi. Vẻ mặt ngơ ngác đến tức cười của một người còn trên vai, trên hai mũi giầy, trên quần áo, trên mái tóc những vệt bụi đường đỏ quạch của thị trấn miền cao nguyên. Nhưng trong lúc này câu hỏi ấy thật là cần thiết để đánh tan sự im lặng. Lũy trả lời ngay:

- Nếu người ta ví sự mới bắt đầu như là đôi mắt ngơ ngác của một con chim, tôi đã đến thị trấn của Huyền như là một con chim có đôi mắt ngơ ngác đó.

Cúc Huyền có vẻ cảm động khi Lũy trả lời như vậy, vì Lũy hình dung ra một con búp bê biết nhắm mắt mở mắt trong tủ kính một cửa hàng sang trọng ở thành phố Lũy ở. Và Lũy cũng nhớ lại những buổi trưa, chán về nhà Lũy đã lang thang trên phố, dòm chúi mũi vào những cửa hàng có tủ kính bày bán nhừng con búp bê xinh xắn. Ðôi mắt của Cúc Huyền là đôi mắt của một con búp bê đắt giá nhất bày trong tủ kính:

- Ông dự định ở chơi với gia đình chị Thục bao nhiêu lâu mới trở về?

- Tôi thường không có quyết định gì hết. Nên chưa biết sớm hay vài ngày nữa, hay nhiều hơn, bởi thị trấn này đáng yêu vô cùng.

- Tôi thấy nó buồn, và vắng vẻ quá, ở thàh phố của ông chắc là đông vui hơn. Người ta thường tìm chỗ đông vui và ở, như những bầy én thường về trong thành phố nhà cao. Ông là con chim như đã nói lúc nãy, chắc ông cũng thích về thành phố hơn. Phải không?

Lũy hơi bàng hoàng trước câu nói của Cúc Huyền. Ðúng hơn là Lũy không ngờ người con gái luôn luôn im lặng trước mọi người, lại có thể diễn tả và nhận xét rành rõi như một người luôn luôn quen thuộc với đám đông. Lũy cười:

- Nhưng tôi lại là con chim khác đời, hay lạc vào những nơi yên tĩnh u buồn.

Cúc Huyền cười mỉm, ngó những vụn nắng lọt vào khung cửa sổ, những vụn nắng phản chiếu vào mặt kính xanh lơ của cái hồ nuôi cá nhỏ, để trên bàn của anh Ðồng thành vòng ánh sáng xoay tròn in vào một góc tường. Trong chiếc hồ nuôi mấy con cá vàng bụng bự, bơi lội một cách mệt mỏi quanh mấy nhánh rong lờ đờ.

- Hôm nay Cúc Huyền được rảnh cả ngày hả?

- Chút phải về.

- Chắc là về phải học bài.

- Không, về nấu cơm.

Lũy cười:

- Chắc Cúc Huyền nấu cơm tài lắm?

Cúc Huyền đỏ mặt cười:

- Trái lại là đằng khác. Ở nhà cứ bị mắng hoài về tội nấu cơm ba tầng.

- Cơm ba tầng ăn cũng ngon ra phết. Thường tôi chỉ gặm bánh mì. Cơm ba tầng so với bánh mì còn ngon gấp triệu lần.

Cúc Huyền cười. Lũy cũng không ngờ mình có thể nói một cách lưu loát như thế. Cái gì xấu của Cúc Huyền dần dần rồi cũng trở thành tốt đẹp hết. Lũy cười thầm, hôm nay chàng "ga lăng" quá cỡ. Nhưng từ lúc làm cho Cúc Huyền chịu mở miệng và tạo nơi gương mặt ấy một nụ cười coi như Lũy đã thành công, ít nhất là trong việc nói chuyện với một cô gái. Lũy thầm cám ơn chị Thục, cám ơn thị trấn này, cám ơn buổi sinh nhật của Hạnh, cám ơn một buổi chiều nắng vàng óng ả vào những con đường Lũy mới đặt chân đầu tiên. Cám ơn một cơn mưa rào nào đó đã đánh rơi giùm tấm bảng chỉ tên đường. Lũy thấy mạnh bạo hơn, đề nghị với Huyền một buổi trốn nấu cơm:

- Hôm nay có thể Huyền không trổ tài nấu cơm ba tầng được không? Huyền chớp mắt:

- Là sao ạ?

- Nghĩa là không về nhà nấu cơm buổi trưa.

Cúc Huyền rút vai, cong môi thật dài:

- Í, không được đâu. Bộ tưởng dễ lắm hả? Trưa về không có cơm ăn, nội cạo đầu bằng búa.

Lũy ngạc nhiên cười:

- Ông nội làm gì có búa?

- Ông nội đi đốn cây trong rừng. Cánh rừng ven biển ấy. Ngày nào ông nội cũng đi.

- Ông nội Cúc Huyền dữ lắm hả?

- Không có dữ. Nhưng nếu trưa về không có cơm thì nguy hiểm lắm.

- Nhưng có một việc nguy hiểm hơn nữa là Hạnh bắt tôi dẫn đi phố, mà tôi lại không biết đường.

- Hạnh biết đường.

- Tôi không thích để cho trẻ con dẫn đường. Ði như thế người ta ngó.

- Nhưng không có rảnh. Sợ ông nội cạo đầu bằng búa lắm.

- Ông hăm như thế chứ không dám cạo đâu.

- Cây trong rừng ổng còn dám đốn thì đầu người ta ổng cũng dám cạo lắm chứ, hơn nữa, hôm trước đi chơi với nhỏ My ngoài bãi biển cả ngày quên nấu cơm ông nội hăm rồi.

- Thử một lần xem ổng dám không?

- Thôi, không dám đâu. Xúi người ta như thế khi bị đòn có bênh vực được không?

- Cúc Huyền có dám cho tôi đến nhà không?

- Ðể làm gì?

- Ðể bênh vực khi ông nội đánh.

Cúc Huyền rụt cổ:

- Không dám đâu. Như thế ông nội sẽ đánh thêm chết mất.

- Như thế làm sao tôi bên vực Cúc Huyền được.

- Bộ như thế là ông nội nghe theo hả?

Lũy cười:

- Tôi năn nỉ hay lắm. Nói vài câu ông nội sẽ tha ngay.

Cúc Huyền ngồi im nhìn ra cửa cười bâng quơ. Lũy lại nhìn vào cái hồ cá nhỏ. Những sợi nắng bên ngoài nhảy múa chuyền hơi nóng tới chỗ ngồi. Lũy nhìn hai bàn tay trắng xanh của Cúc Huyền để hờ hững trên bàn. Tự dưng anh thèm một ly đá chanh nơi một quán nhỏ dưới bóng mát của các cây có rất nhiều hoa trổ vào mùa hè. Cúc Huyền bỗng nhìn Lũy, cái nhìn len lén ấy làm Lũy hơi lúng túng, tưởng Cúc Huyền biết rõ những ý nghĩ của mình. Một con chim nào đó chợt bay đến đậu ngoài cổng nhà hót vội vã mấy tiếng làm xao động cái không khí yên tĩnh nãy giờ. Cúc Huyền nhìn ra cổng, dáng chừng tìm con chim ấy. Một phiến mây trời bay ngang qua đầu những bông giấy đỏ rực. Cổng nhà như sáng hẳng lên trong một thứ ánh sáng huyền ảo của cơn mộng, chìm khuất được ghi lại bằng những trí nhớ. Lũy hỏi:

- Ðược chứ?

Cúc Huyền ngơ ngác:

- Ðược gì cơ?

- Ðừng nấu cơm trưa nay, mình đưa Hạnh đi chơi.

Cúc Huyền có vẻ "hờn mát" tiếng "mình" rất bất ngờ và tự nhiên của Lũy. Môi của Cúc Huyền xịu xuống, quay đi ngó những ngón tay của mình thả rơi trên mặt bàn, Lũy biết nhưng cứ tảng lờ:

- Bộ ở nhà chỉ có một mình Cúc Huyền nấu cơm sao? Phải còn một người nào nữa chứ.

Cúc Huyền gây:

- Người nào? Má bận ngoài chợ cả ngày. Ba lâu lâu mới về một lần, chỉ có ông nội ở nhà thường xuyên.

- Ông nội không biết nấu cơm sao?

- Ông nội bận đi đốn củi.

- Làm gì?

- Ông đốn củi về chất thành đống phơi nắng cho khô và không biết làm gì hết. Hình như là để dành tết nấu bánh chưng.

Nói xong Cúc Huyền thở dồn dập, có lẽ vì bực tức những câu hỏi ngớ ngẩn của Lũy. Nhưng hơn lúc nào hết Lũy thích được ngớ ngẩn như vậy. Lũy cười cười, ngồi yên nhìn vẻ mặt phụng phịu của Cúc Huyền. Ngày xưa Lũy vẫn hay thường chọc chị Thục giận rồi ngồi nhìn chị mà cười. Chị càng giận Lũy càng cười. Chị mắng Lũy là "người gì đâu mà vô duyên thế không biết" nhưng rồi chị cũng phải cười và quên cả giận chính nhờ những nụ cười vô duyên của Lũy. Cúc Huyền tuy giận, cúi mặt xuống bàn nhưng chắc cũng bứt rứt vì những nụ cười của Lũy. Một lúc, Huyền ngước lên, cong môi hỏi:

- Lạ lắm sao mà cười?

- Người ta giận ai thường làm một gương mặt lạ.

- Nhưng việc gì phải giận người khác chứ?

- Biết đâu.

Cúc Huyền đỏ mặt quay nhìn ra cổng. Con chim lúc nãy đã bay, tiếng hót không nghe thấy nữa. Những áng mây tự nhiên làm tối một khoảng trời trước sân. Lũy mừng rỡ tưởng chừng có một cơn mưa sắp sửa kéo đến, cơn mưa đến kịp sẽ làm cho Cúc Huyền không thể về nhà được bây giờ, và như vậy Cúc Huyền phải ở lại bắt buộc phải ngồi nhìn mưa mà sốt ruột cho bữa cơm không nấu được ở nhà. Trời mưa sẽ làm ông nội Cúc Huyền về muộn, nếu về muộn, có thể ông sẽ bị mưa trong rừng, lạnh cóng tay chân về tới nhà phải lăn quay ra đánh dầu cạo gió không còn sức đâu mà ăn cơm hay dọa cạo đầu Cúc Huyền bằng búa. Cơn mưa đến bây giờ giải quyết được nhiều chuyện lắm. Lũy cười:

- Hình như trời sửa soạn ột cơn mưa. Cúc Huyền nhỉ?

Cúc Huyền ngó ra sân giật mình:

- Mưa thật à?

- Không, trời chỉ mới kéo mây. Chắc là một cơn mưa lớn. Tôi mang ưa đến, cơn mưa đầu tiên trong những ngày lưu lại nơi này. Và mưa ở đây chắc đẹp lắm.

Cúc Huyền đáp một cách lơ đãng:

- Không biết.

- Cúc Huyền không thích mưa à?

- Tùy theo lúc. Khi đi học về chắc là không thích được vì đất bụi bám nước mưa bắn lên áo dài dơ lắm.

- Dơ thì giặt. Người con gái đẹp nhất là lúc ngồi giặt áo dài lụa bên giếng nước trong veo. Cúc Huyền không thích giặt áo à?

- Thích chớ sao lại không. Nhưng giặt mỗi ngày thì giờ đâu còn học bài.

- Dễ lắm. Không thuộc bài Cúc Huyền học như thế này, đoán là hôm nay bị truy bài, Cúc Huyền học đoạn đầu và đoạn cuối. Ít có ông thầy nào bắt trả hết nguyên bài lắm. Ðọc vừa hết đoạn thuộc ông đã chán kêu mình về. Thế là Cúc Huyền được chấm ít nhất là bảy tám điểm. Ngon không?

Huyền cười khúc khích:

- Ngộ ghê nhỉ: Lũy cũng học như thế đó hả?

Cúc Huyền đã quên kêu Lũy bằng “ông” mà kêu tên như hai người đã thân quen nhau ghê lắm. Lũy hơi bàng hoàng một thoáng và không dại gì tạo một cơ hội khác cho tiếng “ông” quái đản ấy trở lại với Cúc Huyền nữa. Lũy xưng tên ngay:

- Ngày xưa cơ, bây giờ Lũy hết rồi.

- Hết là thế nào?

- Tuyệt, không thèm học bài.

- Trời ơi, thế bị gọi trả bài thì Lũy làm sao?

- Lũy có mặt ở trường bao giờ đâu mà bị gọi trả bài. Vả lại, lên lớp lớn ít ông thầy nào gọi trả bài. Học trò tự do muốn học thì học không học thì thôi, vui lắm.

Cúc Huyền nhìn ra sân theo dõi những áng mây một lúc, nói:

- Không có mưa đâu. Ðó chỉ là những áng mây nặng từ biển thổi qua thị trấn.

- Biển ở gần đây không?

- Không gần mà cũng không xa, đi qua cánh rừng thông là tới. Cánh rừng mà thường ngày ông nội vẫn thường lên đốn củi.

- Xa thế sao ông nội đi được?

- Ông còn mạnh lắm.

- Người già còn mạnh bao giờ cũng khó cả.

- Ông nội không có khó.

- Không khó sao mà Cúc Huyền sợ dữ vậy.

Cúc Huyền làm thinh. Chị Thục đi ra cười hỏi:

- Cúc Huyền không đi phố chơi với bé Hạnh à?

- Không chị à. Phải về ngay.

Lũy cười:

- Về nấu cơm trưa không ông nội về cạo đầu.

- Vậy thì buồn nhỉ. Tưởng Cúc Huyền hôm nay ở lại chơi được chứ.

- Cúc Huyền về chị à.

- Về ngay bây giờ?

Cúc Huyền gật đầu đứng lên. Chị Thục ngó Lũy nói.

- Tại Lũy không mời người ta một tiếng nào hết.

Lũy cười:

- Lũy mời nhiều tiếng chứ không phải một tiếng đâu.

Cúc Huyền ngó Lũy cười rồi chào chị Thục ra về. Những áng mây xám lại kéo về che khoảng sân, bóng nắng như biến mất sau những bước chân nhẹ nhàng của Cúc Huyền đi ra cổng. Lũy nhìn thấy những chùm hoa giấy ngả sang buổi chiều với màu đỏ uể oải. Trên những cây lá xanh, Lũy hình dung ra được một đôi mắt mở lớn và đen nhánh, đôi mắt long lanh những giọt nước mắt của mùa mưa đang trở về. Buổi tiệc sinh nhật của Hạnh như thế đã chấm dứt với những người có mặt lần lượt ra đi. Chị Thục và người giúp việc đang lo thu dọn đồ vật bày biện la liệt lúc nãy, Lũy ngồi yên trong ghế nhìn những sợi nắng chao qua chao lại trong vuông cửa, tự nhiên thấy buồn. Có lẽ đừng nên bao giờ trả cho cuộc vui những chiếc ghế trống, những giây phút nghỉ ngơi để nhớ lại một người nào đó đã rời khỏi chỗ ngồi thương mến củ.

- Hạnh đâu rồi chị?

- Hạnh không có trước nhà sao?

Lũy lắc đầu:

- Không thấy. Chắc là quên chuyện đi phố rồi. Mong cho Hạnh quên.

- Cậu tưởng. Nó không quên đâu. Chắc lại mê búp bê của Cúc Huyền chứ gì?

- Bộ con chó bằng pin của Lũy không đáng mê sao?

- Mê chứ, nhưng chắc Hạnh nó xếp vào hàng thứ nhì. Cậu cũng muốn hơn Cúc Huyền nữa à?

Lũy cười. Nghĩ tới chút nữa đây Cúc Huyền về nhà, vào bếp loay hoay với những thứ lỉnh kỉnh lảng cảng của một người đàn bà. Ðôi tay ấy sẽ ngâm vào trong nước, lặt rau, lừa những con sâu gớm ghiếc: tỉa những chiếc lá héo. Ðôi mắt ấy sẽ soi sâu vào nồi cơm đang sôi, khói củi sẽ làm Cúc Huyền cay mắt, hơi nóng của than hồng sẽ làm hai má Cúc Huyền đỏ lên. Những sợi tóc non sẽ lấm tấm những giọt mồ hôi. Lũy muốn đứng yên một chỗ nào đó nhìn Cúc Huyền trong khung cảnh ấy, như ngày nào, những buổi trưa nhàn rỗi nào Lũy đã đi lang thang nhìn vào tủ kính so sánh những con búp bê bày biện bên trong.

- Cậu Lũy ơi, cậu Lũy.

Tiếng gọi rối rít của Hạnh ở khung cửa sổ khiến Lũy quay lại. Hạnh hình như lúc nào cũng gắn liền với khung cửa sổ, ngay cả những lúc bất ngờ nhất. Hạnh cũng có thể hiện ra một cách tự nhiên với gương mặt và đôi mắt qua những chấn song xanh, bàn tay vẫy gọi rối rít như tiếng chim kêu vào vườn với quá nhiều trái chín.

- Hạnh đi đâu nãy giờ?

- Ði năn nỉ dì Cúc Huyền giùm cậu.

- Lại xạo. Chuyện gì phải tới Hạnh năn nỉ?

- Cậu chọc cho người ta giận mà không biết xin lỗi, cháu phải len lén chạy theo năn nỉ hộ cậu đấy.

Lũy đứng lên đi ra thềm, Hạnh cũng vừa tụt xuống khỏi khung cửa sổ. Lũy thấy một chiếc ghế bên dưới. Hạnh một tay ẵm búp bê một tay xách chân con chó Lũy tặc lưỡi:

- Trời ơi, con chó của cậu mua mấy ngàn đồng đau muốn chết mà Hạnh xách chân như vậy nó gẫy chân làm sao mà chạy được?

- Không sao, chứ con búp bê của dì Cúc Huyền có chạy bao giờ đâu.

Lũy lườm:

- Nói bậy. Búp bê thì người ta phải ẵm, con chó thì phải chạy.

Hạnh cười:

- Bộ cháu ẵm không được à?

- Cứ bấm vào pin thì nó chạy, không cần ẵm.

- Cháu thích ẵm thôi.

- Ẵm đâu. Hạnh xách bốn chân chỏng gọng như thế mà bảo ẵm.

Hạnh cười, đặt con chó xuống ghế. Lũy bước tới hỏi:

- Thế Cúc Huyền đã hết giận cậu chưa?

- Cậu đoán thử xem.

Lũy đưa hai tay lên trời:

- Ai mà đoán ra chuyện đó.

- Thế mới bảo cậu đoán thử. Nếu cậu rõ hết thì kêu đoán làm gì.

Hạnh cười khúc khích:

- Cậu đã chịu thua chưa?

- Chứ bao giờ cậu ăn cháu được đâu mà không chịu thua.

- Cậu làm bộ nịnh người ta, khôn ghê.

- Cậu khờ nhất thế giới

Hạnh khoái chí cười vang. Xong Hạnh nói:

- Yên chí đi, dì Cúc Huyền giận cậu ít nhất là một tuần lễ.

Lũy đờ người ra:

- Sao lại giận nhỉ?

- Cậu không biết thì ai mà biết.

- Cậu không biết thiệt mà. Hạnh có biết không?

Hạnh dài môi ra cười:

- Nếu không nhớ cậu sang nhà dì Cúc Huyền mà hỏi, còn Hạnh nhất định là không biết rồi, vì biết sao không?

Lũy lắc đầu. Hạnh cười khúc khích:

- Vì dì Cúc Huyền bảo đừng tiết lộ cho cậu biết điều mà dì Cúc Huyền giận.

Lũy năn nỉ:

- Hạnh nói đi, Hạnh.

Hạnh lắc đầu:

- Làm như thế Hạnh trở thành ác tâm. Bà phù thủy ba cho lúc nãy sẽ tặng Hạnh cây roi tre ngay. Không dám đâu.

- Hạnh về phe với Cúc Huyền hả?

- Dĩ nhiên.

- Rồi Cúc Huyền đưa Hạnh đi phố, xem cine, ăn kem, kể chuyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn cho Hạnh nghe?

Hạnh nhíu mày hỏi lại:

- Cái đó chắc dì Cúc Huyền không biết đâu.

- Tùy ý Hạnh chọn lựa bên ta hoặc bên địch.

Hạnh cười:

- Cậu ghét dì Cúc Huyền lắm hả?

- Cậu không ưa con gái hay giận. Hở một tí thì giận, thì giờ đâu người ta theo dỏi.

- Thì cậu cứ tảng lờ đi. Hơi đâu theo dõi cho nó mệt. Bây giờ cậu đưa cháu đi chơi phố, đi cine, đi ăn kem. Cam đoan tối về cậu quên ngay. Tha hồ cho dì Cúc Huyền giận.

Lũy bắt đầu ngồi xuống thềm Hạnh cuống quít sợ Lũy giận không đưa đi phố nên ngồi xuống theo kéo tay Lũy năn nỉ.

- Hôm nay là ngày sinh nhật của cháu. Cậu không chìu cháu được sao.

- Ðược chứ, nhưng nếu Hạnh theo phe cậu, đừng theo phe của dì Cúc Huyền.

- Cậu ghét dì Cúc Huyền lắm hả?

- Cậu không ưa.

- Sao lại không ưa, dì Cúc Huyền đẹp này, hiền này, dễ thương như thế mà cậu không ưa, cậu không biết chứ dì Cúc Huyền là hoa khôi trường Huyền Trân Công Chúa đấy, mẹ nói giờ tan học tụi con trai ra đứng xếp hàng chờ dì Cúc Huyền trước cổng. Hôm trước có một thằng con trai đi xe đạp rề rề phía sau dì Cúc Huyền, tới gần nhà gặp cháu đi trên xe ngựa cháu chọc quá xá. Cháu đang ăn dâu, tiện có mấy cái vỏ dâu cháu ném vào lưng anh ta. Khi xuống gặp dì Cúc Huyền cháu hỏi, bộ "bồ" của dì đấy phải không. Dì Cúc Huyền mắc cỡ trốn mấy ngày liền.

Lũy cốc vào đầu Hạnh mấy cái:

- Cháu còn nhỏ xíu, biết gì mà xen vào chuyện người lớn.

Hạnh cong môi cãi:

- Cái thằng đó cháu biết, nó nhỏ xíu à. Nhỏ hơn cậu nữa.

Lũy ôm hai tay vòng lấy đầu gối mình, nhìn những cọng mây cao trên trời lờ đờ bay, hỏi:

- Rồi Cúc Huyền có nhận thằng đó là kép không?

- Kép là gì?

- Kép là bồ ấy. Cháu khờ quá.

- Ở trên này cháu không nghe ai nói kép, họ nói là bồ không à. Dĩ nhiên dì Cúc Huyền đâu có chịu, mấy bữa sau hình như dì Cúc Huyền gây lộn với thằng đó nên không thấy nó đi theo nữa.

- Thằng đó ra sao?

- Cậu hỏi làm gì?

- Hỏi chơi.

- Nó nhỏ xíu. Học bằng dì Cúc Huyền ở trường nam trung học..

- Cậu không hỏi thân thế sự nghiệp của nó. Cậu hỏi mặt mũi nó ra làm sao?

- Mặt thằng đó hả. Như mặt con gái ấy. Ðo đỏ.

- Vậy là mặt gà mái. Mai mốt cháu gặp Cúc Huyền thì nói dì Cúc Huyền là hắn có bộ mặt gà mái. Ðẹp trai ác. Chắc chắn dì Cúc Huyền sẽ cho cháu bốn chục.

- Nhưng thằng đó đâu phải là bồ của dì ấy.

- Ăn nhằm gì. Nhiều khi Cúc Huyền làm bộ chứ dám thiệt thằng đó là bồ của Cúc Huyền lắm chứ bộ.

Hạnh không biết "ác tâm" của Lũy, tưởng đâu Lũy bày ra cho Hạnh có chuyện để đùa dì Cúc Huyền. Hạnh khoái chí nhảy cỡn lên:

- Mai mốt lâu thấy mồ. Chiều nay cháu qua hỏi dì Cúc Huyền liền.

- Ừa, hỏi liền cháu sẽ được bốn chục ăn kẹo.

- Bây giờ cậu đưa cháu đi chơi đi. Nói hoài một lúc cậu quên. Nhắc cậu mãi, khô cả cổ.

Lũy đành gật đầu bảo Hạnh vào nói với chị Thục. Một lúc Hạnh trở ra với chiếc áo đầm mới, nón mới. Cầm theo một cái bóp nhỏ lủng lẳng, chị Thục bảo:

- Cho nó mang theo cái bóp để đựng kẹo. Nếu muốn hà tiện, đi qua chỗ bán kẹo, cậu Lũy giả vờ tránh đi, không thì chết đấy.

Hạnh mắc cỡ chạy tuột ra cổng đứng chờ Lũy. Ra đường Lũy giao với Hạnh trước:

- Ði bộ, liệu có đi nổi không, chứ chả có đi xe đâu.

- Cậu đi tới đâu cháu đi tới đó. Tưởng mình cậu đi bộ hay à. Cháu đã từng đi bộ với dì Cúc Huyền khắp thị trấn vòng ra biển rồi trở về mà chả có mỏi chân gì hết trơn.

Lũy nheo mắt:

- Sao việc gì Hạnh cũng nhắc tới dì Cúc Huyền hết trơn vậy?

- Tại cháu chơi thân với dì ấy.

Lũy gục gặc đầu. Những đám mây trên cao như chói nắng. Lũy yêu những đám mây trắng cao lờ đờ đó, giữa một bầu trời rộng bao la ngút mắt. Những đám mây như chẳng hề chú ý tới một nơi nào sẽ dừng chân lại. Mây trôi và cứ trôi. Những đám mây lang thang như Lũy.

- Có nắng lắm không Hạnh?

Hạnh mỉm cười, lắc đầu:

- Không có nắng.

- Tại cháu ham đi chơi nên không thấy nắng.

Lũy nhìn con đường vắng ngắt, bụi bốc lên từng đám nhỏ. Thị trấn nhà thường lợp ngói. Những mái ngói lâu đời rêu mốc, màu gạch cũ ngả trong màu trời sắp về chiều đẹp như một bức tranh thiên nhiên. Lũy đút hai tay vào túi quần huýt sáo miệng. Những con chim bồ câu của một ngôi nhà nào gần bên đường bay xuống thấp đáp trên mặt đường. Chúng nhảy nhao nhao trên các vệ cỏ. Nhìn ở đây, thấy từ xa những góc phố im lìm hiu hắt. Những cửa tiệm với bảng hiệu nom mơ hồ phiêu lãng, rồi những trụ điện bắc lên cao trên các đỉnh cây, treo lơ lửng những mảnh diều giấy của trẻ con thả, rơi mắc từ một mùa hè trước. Thị trấn mang vóc dáng của một phần quê hương Lũy. Bầu trời nghiêng thấp, mây cao bay xa lờ đờ. Chỉ thiếu một giòng sông trắng bốc khói giữa trưa và cát nóng ánh vàng lên một phía có nhiều cây xanh, chim về từng bầy thả rơi tiếng hót xuống một không gian mơ hồ huyền hoặc.

- Hạnh có về quê ngoại lần nào chưa nhỉ?

Hạnh thoáng một chút suy nghĩ, rồi đáp:

- Hình như có một vài lần. Mà ngày xưa rồi cơ, lúc ấy Hạnh còn bé xíu. Bộ cậu không nhớ à?

- Cậu còn không nhớ ra cậu trong hai bữa cơm một ngày thì còn lâu cậu mới nhớ tới chuyện đời xưa.

- Í, cậu làm bộ nói thế chứ mẹ nói cậu là chúa nhớ dai. Chuyện gì ngày xưa cậu đều nhớ. Những chuyện mà mẹ cũng quên nữa á.

- Một người nhớ dai là một người hay lơ đãng.

- Gì mà kỳ cục vậy. Ðã nhớ dai mà sao gọi là lơ đãng được.

- Như vậy đấy.

Hạnh ngó Lũy, cười. Những con bồ câu thấy bóng Lũy và Hạnh ngã dài theo đường đi dần tới, chúng hoảng sợ bay cả lên những mái nhà ven đường. Một người con gái nào đó đạp xe rẽ vào một góc phố phía trước, với màu áo vàng của cánh bướm hoàng hậu, làm Lũy ngỡ là Cúc Huyền đạp xe ra chợ. Phải chăng từ bây giờ Lũy đã mơ hồ thấy màu áo quen thuộc đi vào trong nắng của thị trấn này. Màu nắng mới và mượt như mành tơ trời giăng mắc cho những ngày tháng bắt đầu có mùi hương của hàng xóm bay đầy mái đồng. Nhà Cúc Huyền ở bên bờ hồ nước trong xanh rọi bóng, những tàn cây cao và mây trời thấp. Lũy thấy sương khói bốc lên lãng đãng từ mặt hồ ấy.
Phan_1
Phan_2
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12 end
Phan_Gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .
XtGem Forum catalog